Giấy in tem nhãn là gì? Giấy in tem nhãn, hay còn được gọi là giấy decal in mã vạch, decal tem nhãn, là loại giấy tự dính có đế keo. Loại giấy này được sử dụng để in ấn thông tin, mã vạch trước khi dán lên sản phẩm, hàng hóa. Với mục đích phục vụ cho việc quản lý và kiểm soát hàng hóa, giấy in decal được sản xuất với nhiều loại, chất liệu và kích cỡ khác nhau. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản để lựa chọn giấy decal in mã vạch phù hợp và tiết kiệm chi phí.
Cấu tạo của giấy in tem nhãn
Một tờ giấy in tem mã vạch thường bao gồm ít nhất 4 lớp: lớp đế, lớp chống dính, lớp keo và lớp mặt.
- Lớp đế: Đây là lớp dưới cùng, còn được gọi là lớp nền, có tác dụng giữ phần decal dính trên bề mặt. Lớp này sẽ bị loại bỏ sau khi bóc decal.
- Lớp chống dính: Lớp này phủ trên bề mặt lớp đế, có độ bóng, giúp keo không dính vào lớp đế decal.
- Lớp keo: Đây là lớp quyết định độ dính của giấy decal, được phủ trên lớp chống dính. Tùy theo loại keo được sử dụng mà chúng ta có các loại giấy decal khác nhau như: decal keo nước, decal keo nóng, decal keo remove,…
- Lớp mặt: Lớp giấy trên cùng dùng để in thông tin sản phẩm, hàng hóa. Lớp mặt cũng có nhiều loại chất liệu như: decal giấy thường, decal nhựa PVC, decal xi bạc, decal nhiệt,… Về cảm quan, lớp mặt thường có 2 loại là mặt bóng và mặt nhám. Mặt nhám thường thô ráp hơn trong khi mặt bóng sáng và thẩm mỹ hơn. Vì vậy, khi mua hàng, bạn có thể kết hợp lựa chọn giữa chất liệu và cảm quan bề mặt. Ví dụ như: decal giấy thường mặt nhám hoặc decal giấy thường mặt bóng.
- Lớp coating bề mặt: Không phải loại giấy decal in tem mã vạch nào cũng có lớp phủ này. Lớp phủ này có tác dụng bảo vệ bề mặt lớp mặt khỏi trầy xước, thời tiết hay chà xát. Thông thường, các nhà in tem nhãn sản phẩm thường sử dụng nilon cán bóng hoặc cán mờ cho lớp phủ này.
Phân loại giấy in tem nhãn trên thị trường
Có nhiều cách để phân loại giấy decal. Trong đó, cách phân loại đơn giản nhất là dựa theo chất liệu lớp mặt, chất liệu lớp keo và quy cách đóng gói của tem nhãn.
Phân loại theo quy cách đóng gói
Dù có kích cỡ như thế nào, mỗi chiếc decal đều được đóng gói theo dạng tờ hoặc dạng cuộn.
- Decal dạng tờ được cắt thành từng tờ theo kích cỡ A4, A5, A6 tùy theo nhu cầu sử dụng. Nhìn bề ngoài, decal dạng tờ không khác gì giấy in A4 thông thường, điểm khác biệt là giấy in tem nhãn A4 có thêm lớp keo.
- Decal dạng cuộn rất dễ nhận biết vì được bọc theo dạng cuộn hình trụ tròn có lõi rỗng. Nhờ quấn theo dạng cuộn nên chiều dài cuộn tem rất linh hoạt, có thể là 30m, 50m, 150m,…
Phân loại theo chất liệu decal
Decal giấy thường
Đây là loại giấy in mã vạch phổ biến và có giá thành rẻ nhất trên thị trường. Lớp mặt decal được làm từ giấy, có thể xé rách. Khi in decal giấy thường, người ta phải sử dụng thêm cuộn mực in mã vạch để in chuyển nhiệt thông tin lên bề mặt decal. Loại decal giấy này được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như: logistic, vận chuyển, kho bãi, dán thùng, chai hàng hóa,…
Lưu ý: Decal giấy thường có thể bị xé rách và thấm nước nên không thích hợp để sử dụng ngoài trời. Đồng thời, nên sử dụng loại decal này trong thời gian ngắn vì độ lưu mực không được lâu bền.
Xem thêm: Nếu bạn muốn tự in và dùng phần mềm Excel thì đây, tham khảo bài này nha: Cách in tem nhãn trong Excel Đơn giản Dễ thực hiện
Decal giấy nhiệt trực tiếp
Ưu điểm lớn nhất của loại decal này là mực đã được phủ sẵn trên bề mặt giấy, nên người dùng không cần mua thêm cuộn mực in barcode, từ đó tiết kiệm được chi phí thay thế đáng kể. Tuy nhiên, loại decal này lại rất dễ sử dụng.
Điểm đặc biệt là chỉ có giấy in tem nhiệt mới không sử dụng mực in đi kèm, các loại giấy decal khác đều phải mua ribbon mực in đi kèm để in. Khi cà tay hoặc dùng bật lửa hơ qua bề mặt tem cảm nhiệt, bạn sẽ thấy xuất hiện vệt đen. Đó chính là tính chất của lớp mực tem.
Ngày nay, decal giấy nhiệt trực tiếp được ứng dụng rộng rãi, đặc biệt là trong các cửa hàng tiện lợi (giấy in tem cân điện tử), các cửa hàng trà sữa (tem dán ly trà chanh, trà sữa), tem dán giá sản phẩm quần áo, giày dép,…
Decal nhựa PVC, PP, PET
Lớp mặt của decal nhựa PVC được làm từ nhựa, không phải giấy, nên có khả năng chống nước, chống xé rách rất tốt, thích hợp sử dụng ngoài trời, trong điều kiện thời tiết ẩm ướt, nhiệt độ thay đổi thường xuyên. Decal nhựa PVC được sử dụng nhiều trong các bo mạch điện tử, hàng hóa dán trên bề mặt kim loại và các thùng hàng cần vận chuyển trên quãng đường dài.
Decal xi bạc
Decal xi bạc có lớp mặt được phủ nhôm alumi nên có màu xám. Loại decal này có khả năng chịu nhiệt độ cao, chống nước, chống xé rách, tuổi thọ lên đến hơn 10 năm. Decal xi bạc thường được dán trên các sản phẩm sử dụng ngoài trời như: bình nóng lạnh, bình đựng nước Sơn Hà, Tân Á Đại Thành,… hoặc bề mặt các sản phẩm có nhiệt độ cao như: máy sấy tóc, nồi cơm điện,…
Phân loại chất liệu keo của giấy in tem nhãn mã vạch
Có nhiều loại keo được sử dụng trong sản xuất giấy in tem nhãn mã vạch, mỗi loại lại có ưu điểm và ứng dụng riêng. Dưới đây là một số loại keo phổ biến:
Giấy decal in tem nhãn sử dụng keo nước
Keo nước là loại keo phổ biến do có giá thành hợp lý và khả năng bám dính tốt. Thành phần chính của loại keo này là nước, vì vậy sau khi dán và nước bay hơi, keo sẽ cô đặc và bám dính chắc hơn. Giấy decal in tem nhãn sử dụng keo nước hoạt động tốt trên nhiều bề mặt, kể cả bề mặt khó dán, đồng thời có khả năng chống chịu hóa chất và tia cực tím tốt, phù hợp sử dụng trong thời gian dài.
Giấy decal in tem nhãn sử dụng keo nóng (hot melt)
Keo nóng hay keo hot melt nổi bật với độ bám dính cực mạnh. Ngay khi bóc tem, keo sẽ dính chặt vào bề mặt sản phẩm. Nếu dán trên thùng carton, khi lột tem ra có thể sẽ kéo theo cả lớp bề mặt carton. Do đó, keo nóng thường được ứng dụng để dán trên các sản phẩm yêu cầu độ bám dính cao. Giấy decal in tem nhãn sử dụng keo nóng hoạt động tốt trên nhiều bề mặt, kể cả bề mặt khó dán, mang lại hiệu quả bám dính ngay lập tức và có thể tháo rời khi cần thiết.
Giấy in tem nhãn sử dụng keo remove
Điểm đặc biệt của keo remove là độ bám dính thấp và không để lại keo trên bề mặt sản phẩm sau khi bóc ra. Loại keo này thường được sử dụng khi cần bóc tem sau khi dán, ví dụ như trong ngành gỗ cho máy cắt CNC. “Tem dán gỗ sau khi cắt sẽ được gỡ bỏ sau khi ráp các bộ phận của tủ quần áo, bàn ghế hoàn thiện.”
Các loại giấy decal in tem nhãn phổ biến
Giấy decal Amazon
Đây là loại giấy decal có đế vàng với các chấm đỏ, chấm xanh hoặc chấm ghi. Loại này có lượng keo nhiều hơn, giúp bám dính tốt trên các bề mặt chai lọ thủy tinh. Nhờ vậy, thông tin sản phẩm được đảm bảo nguyên vẹn trong suốt quá trình vận chuyển và sử dụng.
Giấy decal thiếc
Trên thị trường hiện có nhiều loại decal thiếc khác nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Phổ biến nhất là decal thiếc bóng (hay còn gọi là decal gương) và decal thiếc mờ. Cả hai loại thường được dùng để in thông số kỹ thuật cho các sản phẩm điện tử, máy tính,… Do đặc tính dễ bong tróc, decal thiếc thường được cán thêm một lớp màng bảo vệ để giữ cho thông tin in được bền lâu.
Giấy decal 7 màu
Sở hữu màu sắc rực rỡ tựa cầu vồng, decal 7 màu tạo hiệu ứng thị giác độc đáo khi nhìn nghiêng. Loại decal này thường được ứng dụng để in tem bảo hành cho các thiết bị máy móc.
Giấy decal vỡ
Decal vỡ thường được sử dụng để in tem bảo hành cho các dịch vụ sửa chữa, đổi trả có ghi ngày tháng cụ thể. Đặc điểm của loại decal này là rất dễ vỡ vụn khi gặp tác động mạnh, giúp ngăn chặn việc tái sử dụng tem.
Giấy decal trong
Đúng như tên gọi, decal trong có đặc điểm là trong suốt, cho phép nhìn xuyên thấu. Loại decal này thường được dùng để in logo, giúp khách hàng dễ dàng quan sát sản phẩm hoặc màu sắc bên trong.
Trên đây là các loại giấy in tem nhãn phổ biến hiện nay, chúng có thể giúp bạn tạo ra ấn phẩm tem nhãn cho sản phẩm của mình thật ấn tượng.